Tuesday, October 4, 2016

TIN TỨC THẾ GIỚI TỔNG HỢP


Làm sao biết tài khoản Facebook đã bị hack?

Nếu lo lắng về việc tài khoản Facebook nhiều khả năng đã bị hack, bạn có thể tham khảo hướng dẫn kiểm tra của CNET trong bài viết dưới đây.

Tin tặc (hacker) có nhiều cách tấn công tài khoản Facebook. Và một khi chúng đã chiếm được tài khoản, chúng có thể lợi dụng chức năng tự động đăng nhập để tiếp tục xâm nhập vào các tài khoản trên những trang web khác. Không những vậy, tài khoản Facebook còn cung cấp cho hacker rất nhiều thông tin cá nhân chúng có thể sử dụng để đánh cắp danh tính của nạn nhân.
Có một cách đơn giản để bạn kiểm tra xem tài khoản Facebook có bị hack hay không đó là sử dụng chức năng theo dấu đăng nhập của Facebook.
Trước tiên, bạn di chuyển lên phía trên góc phải trang chủ Facebook và bấm vào nút hình mũi tên quay xuống. Kế đến, bạn chọn Settings > Security > Where You're Logged In.
Ở đây, Facebook sẽ liệt kê tất cả các thiết bị được sử dụng để đăng nhập vào tài khoản của bạn và vị trí của chúng. Nếu phát hiện thiết bị lạ, khả năng tài khoản của bạn đã bị hack. Hãy nhấn End Activity ở bên phải để kết thúc phiên đăng nhập tương ứng với thiết bị đó. Hacker sẽ bị đăng xuất, tạm thời.
Một số cách khác để kiểm tra liệu tài khoản Facebook có bị tấn công:
- Tên, ngày sinh, email hay mật khẩu của bạn đã bị thay đổi.
- Ai đó đã gửi lời mời kết bạn đến những người bạn không hề biết.
- Tin nhắn được gửi từ tài khoản của bạn, nhưng bạn không phải là người soạn chúng.
- Status xuất hiện trên timeline của bạn và bạn không phải là người viết chúng.
Làm gì nếu tài khoản Facebook bị hack?
Sau khi nhấn End Activity, bạn cần đổi ngay mật khẩu tài khoản. Kế đến, truy cập vào trang trợ giúp của Facebook. Facebook có một hệ thống trợ giúp người dùng lấy lại tài khoản khi bị hack.
Truy cập vào trang trợ giúp Facebook, nhấp vào I think my account was hacked or someone is using it without my permission, và sau đó chọn secure it. Facebook sẽ đưa bạn đến trang đăng nhập và hướng dẫn bạn các bước để bạn lấy lại tài khoản của mình.

Tắt tính năng theo dõi bí mật trên iPhone

Chỉ với vài thao tác đơn giản, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn Apple thu thập thông tin về các địa điểm thường xuyên lui tới.
Kể từ bản cập nhật iOS 7, Apple đã âm thầm kích hoạt tính năng Frequent Locations, cho phép theo dõi và ghi lại giờ giấc, địa điểm cũng như số lần mà bạn đã đến và đi. 
Apple cho biết, tất cả những thông tin thu thập được sẽ lưu trữ trên iPhone (thiết bị của người dùng), không phải trên máy chủ của Apple. Công ty cho biết tính năng này chỉ giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa thời gian di chuyển. Tuy nhiên, nếu lo ngại bị rò rỉ hoặc không muốn chia sẻ thông tin, bạn có thể áp dụng mẹo nhỏ sau để vô hiệu hóa tính năng này.
- Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào mục Settings (cài đặt) > Privacy (quyền riêng tư) > Location Services (dịch vụ vị trí). 
- Bước 2: Kéo xuống bên dưới và chọn tiếp vào phần System services (dịch vụ hệ thống) > Frequent Locations (địa điểm thường xuyên). Đây sẽ là nơi lưu trữ tất cả thông tin về những địa điểm mà bạn thường xuyên lui tới. Khi chạm vào một vị trí cụ thể, người dùng có thể biết được số lần đến và thời gian cụ thể thông qua ứng dụng bản đồ.
Tắt tính năng theo dõi bí mật trên iPhone - 1
Xem lại các vị trí đã từng đến và đi trên iPhone. Ảnh: MINH HOÀNG
- Bước 3: Để tắt tính năng theo dõi của Apple, bạn hãy nhấn Clear History (xóa lịch sử) nhằm xóa toàn bộ lịch sử vị trí, đồng thời vô hiệu hóa tính năng Frequent Locations (địa điểm thường xuyên).
Tắt tính năng theo dõi bí mật trên iPhone - 2
Xóa lịch sử vị trí chỉ với vài thao tác đơn giản.
Nhìn chung, trên đây chỉ là vài thao tác đơn giản để bảo mật thông tin cá nhân và những địa điểm thường xuyên lui tới. 

Người ủng hộ bênh vực Trump mạnh mẽ hơn sau bê bối gian lận thuế

Linh Nguyễn |  04/10/2016 22:53
Người ủng hộ bênh vực Trump mạnh mẽ hơn sau bê bối gian lận thuế

Sau khi tờ New York Times hé lộ khoản thua lỗ gần 1 tỷ đô la và nghi án trốn thuế suốt 18 năm của Donald Trump, vị tỉ phú nhận được những phản ứng thực sự bất ngờ.

Tại buổi vận động tranh cử ở bang Colorado, ứng viên đảng Cộng hòa "giỏi lạng lách" này nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt đến từ đám đông ủng hộ. Ông tự tin thể hiện sự am hiểu luật thuế, và có vẻ như đã củng cố niềm tin cho người ủng hộ về tài kinh doanh của mình. 
"Tôi hiểu mấy điều luật thuế hơn bất kỳ ai, chính vì vậy tôi có khả năng sửa đổi chúng," Trumpphát biểu trước khoảng 7,000 người có mặt trong trung tâm Hội nghị Budweiser.
Công nhân lái xe tải 48 tuổi Jim Ryther cho biết, ông bị Trump thu hút vì "ông ấy không phải chính trị gia". Jim giải thích thêm rằng, các chính trị gia thường "quá cẩn trọng".
Molly cùng chồng mình, Zeke, hoàn toàn không cảm thấy nghi án gian lận thuế của Trump có vấn đề.
"Khi bạn kiếm được rất nhiều tiền thì bạn sẽ tìm cách giữ lại càng nhiều càng tốt. Cái đó gọi là doanh nhân giỏi," Molly nói.
Cô nói thêm: "Ông ấy đưa ra những quyết định kinh doanh tốt, đó là những gì ông sẽ làm cho đất nước này. Và khi mọi việc xấu đi thì ông biết cách thoát ra khỏi đó."
"Thử tìm cho tôi ai đó không gian lận thuế xem," Zeke bày tỏ sự ủng hộ ông trùm bất động sản.
Trong khi đó, Fred Tindell 58 tuổi quả quyết rằng "Hillary chỉ đang cố bới lông tìm vết".
Tindell nói: "Ông ấy kiếm được hàng tỷ đô la. Không phải hàng triệu nhé, mà là hàng tỷ. Khi ông kiếm được từng đấy tiền rồi kinh doanh thất bại, người ta cho phép ông bỏ qua mấy chuyện đó."
Gwen, 38 tuổi và Dennis, 73 tuổi cũng đồng tình với quan điểm Trump là nạn nhân của cả một chiến dịch bóc mẽ do truyền thông thiên vị Hillary Clinton thực hiện.
Clarissa, 36 tuổi, trả lời BuzzFeed rằng cô không theo dõi nghi án gian lận thuế một cách kỹ lưỡng, nhưng cô tin tưởng vào sự nhạy bén trong kinh doanh của Trump. 
"Ông ấy là doanh nhân. Là doanh nhân thì hẳn có lúc tay trắng. Phá sản là như vậy đấy. Ông ấy là một doanh nhân giỏi."
Tại buổi vận động, ứng viên đảng Cộng hòa gọi luật thuế hiện hành là "nỗi nhục với đất nước chúng ta".
"Không thể tin nổi hiện trạng bất công của luật thuế. Đây là điều tôi đã khẳng định từ rất lâu rồi. Các bạn cũng nghe tôi nói rồi đấy, mặc dù chính tôi cũng phải thừa nhận rằng bản thân thu lợi lớn (từ việc lợi dụng luật thuế)," Lời phát biểu của Trump bị cắt ngang bởi những lời reo hò.
"Nhưng các bạn thì quan trọng hơn cả việc tôi thu lợi, cho nên là chúng ta sẽ chấn chỉnh lại luật và biến chúng trở nên công bằng với tất cả mọi người."
Theo tài liệu rò rỉ mà tờ NYT có được và xác nhận, Trump đã công bố khoản lỗ tới 916 triệu đô la vào năm 1995, cho phép ông tránh được khoản thuế khoản thuế 50 triệu đô trong suốt 18 năm sau đó.

Trump: "Đã làm kinh doanh thì phải cố nộp càng ít thuế càng tốt"

Linh Nguyễn |  04/10/2016 14:37
Trump: "Đã làm kinh doanh thì phải cố nộp càng ít thuế càng tốt"
Trump trong buổi vận động tại Pueblo hôm thứ Hai.

Ngày 3/10, Donald Trump đương đầu với scandal thuế má bằng cách tự khen bản thân khôn ngoan, và rằng ông đã chiến thắng một hệ thống vốn tồi tệ.

Ứng viên đảng Cộng hòa mạnh miệng tuyên bố, ông sẵn sàng hướng dẫn người dân Mỹ các "kỹ năng kỹ xảo" mà ông đã dùng để trả mức thuế thu nhập thấp hơn.
"Tôi đang làm việc cho các bạn - Tôi không làm việc cho tập đoàn Trump," ông nói với đám đông ủng hộ trong một buổi vận động tại bang Colorado - bang mấu chốt của cuộc tranh cử.
Đó cũng là ngày đầu tiên Trump quay lại đường đua, kể từ khi The New York Times công bố khoản lỗ tới gần 1 tỷ USD chỉ trong 1 năm theo các chứng từ kê khai thuế, và có khả năng ông không nộp một khoản thuế nào trong 18 năm qua, mà lại hoàn toàn hợp pháp.
Trump không ngần ngại đối diện với scandal thuế, phát biểu rằng "trong làm ăn kinh doanh, việc của tôi là giảm mức thuế phải nộp càng nhiều càng tốt."
"Tôi đã vận dụng luật thuế vì lợi ích cá nhân một cách hợp pháp... Thật sự là tôi đã dùng luật đó một cách thiên tài đấy chứ," Trump nói.
Tờ New York Times không điều tra thuế liên bang của Trump, mà đã sử dụng một trang từ tờ khai thuế thu nhập cư dân bang New York, và trang đầu của tờ khai thuế thu nhập cư dân không thường trú bang New Jersey và Connecticut.
CNN chưa tiến hành kiểm chứng độc lập tính xác thực của các tài liệu, nhưng ban vận động tranh cử của Trump chưa phản bác bất cứ thông tin nào do New York Times công bố.
Tại buổi vận động tại Pueblo, Trump tuyên bố chuỗi kinh doanh thất bại của ông trong thập niên 90 - loạt casino ở thành phố Atlantic phá sản, nhiều thỏa thuận bất động sản thảm họa ở Manhattan - chỉ làm nền cho sự trở lại hoành tráng.
Trump: Đã làm kinh doanh thì phải cố nộp càng ít thuế càng tốt - Ảnh 1.
Đám đông người ủng hộ Trump ở Pueblo. Ảnh: Denver Post
Ông cũng cho rằng nếu còn bất cứ câu hỏi nào về chuyện kinh doanh và thuế má của ông - mà Trump là ứng viên tổng thống duy nhất từ chối tiết lộ kể từ 1976 - thì đó chỉ là giới đưa tin "bị ám ảnh" mà thôi.
Ông còn tự xưng là "một chiến binh" và nói ông "đã biết trước rằng tôi chắc chắn sẽ vực dậy. Trong đầu tôi chưa bao giờ, không một chút nghi ngờ gì cả."
"Các nhà đầu tư bất động sản thời kỳ đầu thập niên 90 phải đối mặt với điều kiện tệ gần như Đại khủng hoảng năm 1929, và tệ hơn rất nhiều so với Đại suy thoái năm 2008," Trump nói.
Ứng viên đảng Cộng hòa nhận xét thời kỳ đó là "khoảng thời gian khó khăn - đó là giai đoạn rất xấu. Thậm chí chẳng bao giờ gặp lại được nhiều người thời đó nữa. Nhưng tôi chưa một lần hoài nghi... Sâu thẳm trong tim tôi luôn hiểu rằng, khi xuống đáy cũng là khi tôi làm việc hết khả năng của mình."
Những lời của Trump bị Hillary Clinton chỉ trích nặng nề, khi bà tuyên bố Trump có lối sống tỷ phú trong khi "chẳng đóng góp gì cho đất nước".
Nhưng ứng viên đảng Cộng hòa có nói là ông cũng trả một số thứ thuế khác ngoài thuế thu nhập.
"Tôi chịu nhiều thuế lắm - thành phố, bang, doanh thu, tiêu thụ đặc biệt, nhân viên, liên bang, VAT, nhiều nước khác nhau," Trump nói tại Pueblo. Ông cảm thấy bản thân "chịu sự ủy thác" từ doanh nghiệp của mình để "tìm cách trả ít thuế nhất có thể mà vẫn hợp pháp."
Mặc dù phe Dân chủ chỉ ra rằng trách nhiệm ủy thác của Trump chỉ tồn tại đối với thuế doanh nghiệp chứ không phải thuế cá nhân, đám đông ủng hộ ông ở Pueblo vẫn nhiệt liệt cổ vũ khi ông tuyên bố: "Phải nói thật với các bạn, tôi ghét cái cách họ dùng những đồng tiền thuế của chúng ta."
"Cử tôi vào phòng họp với tư cách đại diện cho các bạn, tôi sẽ thể hiện mình không giống bất cứ chính khách nào, tin tôi đi," ông phát biểu tại Loveland. 

Clinton bóc mẽ Trump: "Một năm lỗ cả tỉ đô thì thiên tài nỗi gì?"

Thi Anh |  04/10/2016 16:31
Clinton bóc mẽ Trump: "Một năm lỗ cả tỉ đô thì thiên tài nỗi gì?"

Clinton đã lên tiếng sau khi đối thủ Trump tự nhận mình là "thiên tài" vì tránh thuế suốt nhiều năm.

Sau khi NYTimes đăng tải tờ khai thuế của Donald Trump và tiết lộ ông này đã thua lỗ gần 916 triệu USD trong năm 1995, bà Clinton đã công kích:
"Thiên tài kiểu gì mà lỗ cả tỉ đô chỉ trong có một năm?", bà Clinton nói trong một cuộc vận động tại Toledo, Ohio, "Không thể hiểu nổi làm sao người ta có thể lỗ 1 đô la, chứ chưa nói đến 1 tỉ đô khi kinh doanh casino. Thật khó tưởng tượng".
Phát ngôn này được bà Clinton đưa ra chỉ một ngày sau khi 2 trong số các cố vấn hàng đầu của Trump - cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và Thống đốc New Jersey Chris Christie - ca ngợi tỉ phú bất động sản là "thiên tài" vì đã sử dụng khoản lỗ này để tránh thuế hợp pháp suốt nhiều năm liền.
Trên chương trình "Tuần này cùng George Stephanopoulos" của đài ABC, trả lời câu hỏi về vấn đề thuế của Trump, Giuliani đã ca tụng Ứng viên Đảng Cộng hòa là "thiên tài" và cho rằng, có là kẻ ngốc thì mới không lợi dụng cơ chế ấy.
Christie cũng gọi Trump là "thiên tài" vì đã tránh thuế liên bang và nhắc lại lời hứa hẹn của Ứng viên Đảng Cộng hòa: "Trong kế hoạch thuế của mình, ông ấy đã hứa sẽ thay đổi và loại bỏ nhiều lỗ hổng để các bạn không gặp phải tình trạng này nữa".
Bản thân Trump thì đáp trả NYTimes trên Twitter: "Tôi biết rõ luật thuế phức tạp của chúng ta hơn bất cứ ai từng tranh cử Tổng thống. Và tôi là người duy nhất có thể sửa chữa nó..."
Ban vận động của Trump không phản đối những thông tin mà NYTimes tiết lộ nhưng tuyên bố rằng tờ báo đã "thu thập bất hợp pháp" bản sao các chứng từ thuế năm 1995 của Trump từ nguồn ẩn danh.
"Ông Trump là một doanh nhân có năng lực, người đứng ra chịu trách nhiệm để doanh nghiệp của mình, gia đình mình và nhân viên của mình không phải đóng nhiều thuế hơn mức luật pháp yêu cầu", chiến dịch của ông Trump tuyên bố.
Tuy nhiên, đối thủ của Trump lại không dành cho ông lời ca ngợi nào. 
"Trong khi hàng triệu gia đình Mỹ, gồm cả gia đình tôi và gia đình các bạn, đang nỗ lực làm việc, công bằng góp phần mình, thì có vẻ như ông ta chẳng đóng góp gì cho đất nước".
"Không một chút gì cho các cựu binh của chúng ta. Không một chút gì cho quân đội của chúng ta. Và bạn biết đấy, ông ta đã chỉ trích nước Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử. Ông ta xem thường chúng ta, đưa ra những bình luận đầy vẻ miệt thị về đất nước, gọi quân đội của chúng ta là thảm họa".
"Điều đó không đúng, nhưng hoàn toàn có thể trở thành sự thật nếu những người khác cũng không đóng thuế để hỗ trợ cho những con người vĩ đại đang khoác trên mình bộ quân phục"

Khoảnh khắc ngọt ngào đáng ngưỡng mộ của cặp đôi quyền lực nhất thế giới

Ngày đăng : 04/10/16 10:00
Hôm qua (3/10) là kỷ niệm 24 năm ngày cưới của Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle Obama. Trong suốt 8 năm ở Nhà Trắng, cặp vợ chồng đệ nhất đã cho cả thế giới thấy tình yêu thực sự là gì.
Tổng thống Obama và vợ kết hôn ngày 3/10/1992 tại Chicago. Cặp đôi quyền lực nhất thế giới này thường xuyên bị bắt gặp nhảy cùng nhau, ôm, hôn và nắm tay nhau ở bất kỳ đâu trên khắp thế giới.
Bà Michelle Obama cũng khiến nhiều phụ nữ ghen tỵ khi chia sẻ về mẫu người lý tưởng và đưa ra lời khuyên cho các cô gái để tìm được bạn đời. Bà cho biết ông Barack là một “người đặc biệt”, theo một cách hoàn hảo.
“Ông ấy luôn luôn đặc biệt, không phải đặc biệt theo cái cách ông ấy là người quan trọng hay là Tổng thống. Barack đặc biệt bởi sự chân thành, tận tâm, lòng trắc ẩn đối với mọi người. Sự dễ thương là tốt nhưng dễ thương không tồn tại mãi, cuối cùng thì con người thật là gì? Đó là lời khuyên tôi dành cho phụ nữ: đừng nhìn vào gáy sách hay tên bìa, hãy nhìn vào trái tim, nhìn vào tâm hồn, nhìn vào người đàn ông đối xử với mẹ của anh ấy và những điều anh ấy nói về phụ nữ. Cách anh ấy đối xử với trẻ con và quan trọng hơn, cách anh ấy đối xử với bạn như thế nào”, bà Michelle cho biết.
Cùng nhìn lại những khoảnh khắc “ngọt hơn đường” của cặp vợ chồng quyền lực nhất thế giới:
Barack cùng vợ khiêu vũ trong đêm dạ hội ngày 20/1/2009 tại Washington D.C.
Bà Michelle "nũng nịu" với chồng trước khi ghi hình cho chương trình Triển lãm Thế giới 2015 tại Phòng Ngoại giao Nhà Trắng, ngày 27/3/2015.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ không ngần ngại thực hiện yêu cầu của Kiss Cam trước đám đông người xem một trận bóng rổ, ngày 16/7/2012.
Bà Obama xúc động trong đám cưới của một người bạn ở Chicago.
Ông Obama ôm vợ tình cảm trong Phòng Đỏ, Nhà Trắng trước khi bắt đầu buổi họp báo nhậm chức ngày 20/1/2009.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ đi bộ trên đường phố trong ngày nhậm chức, 20/1/2009.
Trong khi chồng phát biểu nhân lễ Giáng Sinh, bà Michelle nhẹ nhàng đặt tay lên tay ông Obama.
Vợ chồng Tổng thống tình cảm trong buổi dạ tiệc đầu tiên tại Nhà Trắng.
Hai ông bà thường xuyên nắm tay nhau khi đi trong khuôn viên Nhà Trắng.
Vợ chồng Tổng thống trao nụ hôn ngọt ngào khi tuyên bố chiến thắng ngày 4/11/2008.
Barack và Michelle chia sẻ khoảnh khắc ngọt ngào trong thang máy, trước mặt các nhân viên, khi chuẩn bị bước vào phòng dạ tiệc, ngày 20/1/2009.
Vợ chồng ông Obama vui vẻ trên xe trước chiến dịch tranh cử cuối cùng, ngày 2/1/2008.
Hình ảnh hậu trường của ứng viên Tổng thống Barack Obama và vợ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008.
Barack hôn vợ sau khi tranh luận trong cuộc bầu cử hết nhiệm kỳ thứ nhất ngày 16/10/2012.
Ông Obama giúp vợ trong bữa tối tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Pháp, tháng 2/2014.
Ông Obama hôn vợ trong bữa tiệc báo chí cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, ngày 30/4/2016.
Vợ chồng Tổng thống chia sẻ khoảnh khắc ngọt ngào trong thang máy, ngày 4/5/2009 tại Washington D.C.
Những cái hôn là điều không thể thiếu trong cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng quyền lực.
Vợ chồng ông Obama nắm tay nhau bước đi tình tứ trên thảm cỏ Nhà Trắng.
Cặp vợ chồng Đệ nhất cùng ngắm hoàng hôn trên hồ Michigan, 15/1/2012.
Nội dung được tham khảo từ nguồn tin Glamour, tạp chí thời trang, làm đẹp, giải trí dành cho phụ nữ nổi tiếng thế giới của Anh.
Tuệ Minh (lược dịch)

Những khoảnh khắc hậu trường của Obama suốt 8 năm qua

  • 14:02 04/10/2016
  •  
  • 58




 Nhiếp ảnh gia Pete Souza đã ghi lại hàng triệu bức ảnh về Tổng thống Mỹ Barack Obama suốt 8 năm qua, với những khoảnh khắc hậu trường ít người biết tới.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 1
Ngày 20/1/2009 là dấu mốc lịch sử quan trọng khi nước Mỹ chào đón nhà lãnh đạo gốc Phi đầu tiên. Trong một căn phòng ở đồi Capitol, vị tân tổng thống ngắm lại chính mình trong gương trước khi tuyên thệ nhậm chức.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 2
Ông Obama bắt đầu công việc trên cương vị ông chủ Nhà Trắng tại Phòng Bầu dục vào buổi sáng ngày 21/1/2009. Theo Washington Post, Obama có ngày làm việc đầu tiên với một phong thư mang dòng chữ: “To #44, From #43” (Tới #44, từ #43), với ý ám chỉ ông là tổng thống Mỹ thứ 44.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 3
Vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ bước vào Nhà Trắng với hy vọng có thể thực hiện thành công những chính sách kinh tế, chính trị, đối ngoại mà mình đề ra. Trong ảnh, ông Obama đang lắng nghe ý kiến tại cuộc họp với các cố vấn trong Phòng Roosevelt.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 4
Tổng thống Obama gọi cho các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ từ Phòng Bầu dục để cảm ơn họ sau khi Nhà Trắng thông qua dự luật năng lượng vào năm 2009. Dự luật này là một trong những quyết định ghi dấu của ông Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 5
Năm 2009, ông Obama được xướng tên là chủ nhân giải Nobel hoà bình cho những nỗ lực xuất sắc nhằm củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc. Chỉ vài giờ sau khi giành giải, tổng thống Mỹ cùng các cộng sự chuẩn bị có bài phát biểu trước báo chí tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 6
Ông Obama được coi là tổng thống thành công nhất trong việc theo đuổi cải cách y tế với chương trình Obamacare. Mục tiêu của chính sách này là giúp công dân Mỹ được tiếp cận với bảo hiểm y tế với chi phí hợp lý, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ. Ông chủ Nhà Trắng và trợ lý Jon Favreau đang thảo luận về bài phát biểu cải cách y tế vào tháng 3/2010.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 7
Obama tuyên bố kết thúc “sứ mệnh chiến đấu ở Iraq” vào ngày 31/8/2010. Tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Obama khẳng định với người dân Mỹ và toàn thế giới: “Đã đến lúc lịch sử mở ra trang mới”. 
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 8
Ông Obama cùng các cựu tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton và George W. Bush tại lễ khai trương bảo tàng và thư viện George W.Bush ở Dallas, bang Texas vào tháng 4/2013. Bức ảnh thể hiện sự kết nối, thân thiết giữa các thế hệ lãnh đạo Nhà Trắng.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 9
Vợ chồng cựu tổng thống George H. Bush và Barbaba Bush tặng Tổng thống Obama một đôi tất trong Phòng Bản đồ của Nhà Trắng. Cựu tổng thống Bush “cha” là thành viên của đảng Cộng hoà còn ông Obama thuộc đảng Dân chủ nhưng hai gia đình có mối quan hệ rất gắn bó, thân thiết.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 10
Ông chủ Nhà Trắng sải bước cùng các mật vụ tại sân bay quốc tế Los Angeles trước một chuyến công du nước ngoài.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 11
Tổng thống Obama thảo luận riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình Syria và Ukraine, bên lề thương đỉnh G20 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11/2015. Sau cuộc trao đổi, Nga và Mỹ thống nhất cho một cuộc chuyển giao quyền lực do người dân Syria chủ trì.
Nhung khoanh khac hau truong cua Obama suot 8 nam qua hinh anh 12
Bất lực vì không thể giải quyết triệt để vấn nạn bạo lực súng đạn, một người điềm tĩnh như ông Obama cũng đã rơi nước mắt trong khi phát biểu trên truyền hình từ căn phòng phía Đông của Nhà Trắng vào tháng 1/2016.  

 Những khoảnh khắc lay động trái tim người Việt của Obama: Ăn bún chả, uống bia lạnh, thăm chùa Ngọc Hoàng là những hình ảnh thú vị của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian ở Việt Nam.



Trà My
Ảnh: White House

Chỉ 100 ngày nữa ông Obama sẽ về hưu, đây là 3 di sản lớn nhất và gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông

Hoàng Nam |  04/10/2016 20:46
Chỉ 100 ngày nữa ông Obama sẽ về hưu, đây là 3 di sản lớn nhất và gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông

Tổng thống Barack Obama hiện đang có tiếng nói rất cao trong người dân Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng ông Obama là vị tổng thống thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Sau 2 nhiệm kỳ thành công của mình, Tổng thống Obama đã để lại 3 di sản kinh tế quan trọng nhất cho người kế nhiệm: bộ luật Dodd-Frank năm 2010, dự luật Obamacare năm 2010 và hiệp định TPP năm 2015.
Dodd Frank
Năm 2001, Tổng thống George W Bush lên nắm quyền khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá tốt sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998.
Thế nhưng chỉ 8 năm sau đó, khi Tổng thống Bush rời Nhà Trắng vào năm 2009, khoảng 800.000 người lao động Mỹ mất việc hàng tháng do cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.
Vào tháng 9/2008, tập đoàn tài chính Lehman Brothers và công ty bảo hiểm AIG tuyên bố phá sản. Khi đó chính phủ Mỹ chỉ chấp nhận cứu AIG nhằm tránh một cuộc sụp đổ dây chuyền đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ngay từ những năm 1998, Chủ tịch hội đồng giao dịch hàng hóa kỳ hạn (CFTC), bà Brooksley Born đã cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể gặp rủi ro khi hàng nghìn tỷ USD nợ không được kiểm soát chặt chẽ, và lời tiên đoán của bà đã đúng.
Với bài học cho vay vô tội vạ, tăng trưởng bong bóng không kiểm soát trong thập niên 2000 đã khiến nước Mỹ bừng tỉnh. Vào tháng 5/2010, dưới sự ủng hộ của Tổng thống Obama. Bộ luật Dodd Frank đã được ký và thông qua.
Chỉ 100 ngày nữa ông Obama sẽ về hưu, đây là 3 di sản lớn nhất và gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông - Ảnh 1.
Theo đó, một cơ quan giám sát độc lập mang tên CFPB đã được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ trước những cái bẫy tín dụng mà các ngân hàng giăng ra để thu hút thêm khách hàng.
Một số cơ quan nữa cũng được thành lập như FSOC hay cục OFR trong Bộ tài chính Mỹ nhằm rà soát, kiểm tra và thắt chặt các quy định trong hệ thống tài chính, ngân hàng Mỹ.
Ngoài ra, đạo luật Dodd Frank cũng yêu cầu các ngân hàng nâng mức vốn bắt buộc khả dụng (Capital Requirement) và siết chặt hơn các thủ tục đầu tư của ngân hàng.
Tất cả những biện pháp trên được thành lập để đảm bảo rằng chính phủ Mỹ sẽ không phải dùng tiền thuế của dân để cứu các ngân hàng một lần nữa.
Đồng thời, những người gửi tiền trong các ngân hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi hơn nếu những tổ chức tài chính này phá sản.
Tất nhiên, đạo luật Dodd Frank của Tổng thống Obama không khiến các ngân hàng hài lòng. Thậm chí nhiều ông lớn Phố Wall còn công khai chỉ trích những biện pháp vực dậy nền kinh tế của tổng thống thời kỳ hậu khủng hoảng.
Họ cho rằng đạo luật này giới hạn tính thanh khoản cũng như hạn chế khả năng đầu tư trên thị trường.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng đạo luật Dodd Frank đã tiến hành được 6 năm và chưa có dấu hiệu nào cho thấy hệ thống tài chính Mỹ đang bất ổn. Thay vào đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định và dần hồi phục lại sau cuộc khủng hoảng 2008.
Một số chuyên gia cho rằng các tập đoàn tài chính đang vận động hành lang để có những quy định nới lỏng cho đạo luật Dodd Frank.
Tuy nhiên, dù ông chủ Nhà Trắng tới đây có là ai đi chăng nữa thì họ cũng phải thừa nhận rằng nhờ có đạo luật này của Tổng thống Obama mà kinh tế Mỹ sống sót cũng như vực dậy sau khủng hoảng 2008.
Chỉ 100 ngày nữa ông Obama sẽ về hưu, đây là 3 di sản lớn nhất và gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông - Ảnh 2.
Tổng thống Obama ký thông qua Dodd frank năm 2010.
Obamacare
Dự luật bảo hiểm y tế mới của Tổng thống Obama (PPACA hay Obamacare) được ký kết vào năm 2010 đã đem lại hy vọng mới cho những người Mỹ nghèo, không đủ tiền chi trả cho các khoản phí y tế đắt đỏ.
Nước Mỹ là một quốc gia coi trọng bản quyền và đây là lý do các loại thuốc ở đây đắt hơn rất nhiều so với các nước khác.
Thêm vào đó, hàng loạt những chi phí thử nghiệm, kiểm duyệt cũng như việc các nhà đầu tư muốn thu lời sau phát minh đã đẩy nhiều loại thuốc lên mức quá cao so với thu nhập bình quân của người dân.
May mắn thay, dịch vụ bảo hiểm vẫn còn và có thể chi trả một phần. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng cần có lợi nhuận nên việc người nghèo tại Mỹ tử vong do không có tiền chữa trị hay mua thuốc là điều bình thường.
Năm 2007, có đến 62,1% số đơn xin phá sản tại Mỹ là do chi phí y tế quá đắt đỏ so với thu nhập. Trong khi một nghiên cứu cho thấy khoảng 45.000-48.000 trường hợp tử vong hàng năm tại Mỹ là do không có bảo hiểm y tế, hoặc không đủ tiền đóng bảo hiểm.
Vấn đề y tế và sức khỏe trở nên vô cùng nhức nhối trong xã hội Mỹ khi người dân nước này có thói quen đến bệnh viện khám hoặc uống thuốc theo đơn của bác sỹ với những triệu chứng bệnh dù nhỏ nhất.
Thêm vào đó, sự kiểm soát chặt chẽ của dòng chảy thuốc men khiến người dân khó mua thuốc nếu không có đơn của bác sỹ.
Với Obamacare, ngành bảo hiểm của Mỹ sẽ chịu nhiều quy định hơn trước quyền lợi của bệnh nhân và người dân. Đồng thời, đạo luật này cũng thúc đẩy người dân Mỹ tăng cường mua bảo hiểm nhiều hơn và giảm chi phí thuốc men, chữa bệnh.
Chỉ 100 ngày nữa ông Obama sẽ về hưu, đây là 3 di sản lớn nhất và gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông - Ảnh 3.
Cụ thể, Obamacare mở rộng đối tượng được tham gia đăng ký bảo hiểm cũng như thực hiện các chính sách trợ giá nhằm giảm chi phí y tế của người dân.
Đây là một chính sách được rất nhiều người dân Mỹ nghèo ủng hộ, nhưng chúng lại gặp phản đối từ những công ty dược và bảo hiểm. Theo đó, các tập đoàn này sẽ thu được ít lợi nhuận hơn khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng do những quy định ràng buộc của pháp luật.
Thậm chí, nhiều chuyên gia dự đoán một số công ty bảo hiểm sẽ phải từ bỏ cuộc chơi khi doanh thu quá thấp.
Tuy vậy, đến hiện tại thì Obamacare đã tồn tại được 6 năm và chất lượng y tế của người dân Mỹ ngày càng được cải thiện.
Hiệp định TPP
Chỉ 100 ngày nữa ông Obama sẽ về hưu, đây là 3 di sản lớn nhất và gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông - Ảnh 4.
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) là một trong những di sản mới nhất mà Tổng thống Obama để lại cho người kế nhiệm.
Dù hiện nay cả ứng cử viên Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều có quan điểm phản đối nội dung TPP đã được ký kết nhưng không thể phủ nhận những cố gắng của Tổng thống Obama đã đặt bước tiến lớn cho tự do thương mại.
Mặc dù chưa được Nghị viện thông qua và có khả năng người kế nhiệm sẽ thay đổi nội dung của TPP, nhưng chính nhờ sự cố gắng của Tổng thống Obama mà bản thỏa thuận tự do thương mại bao gồm tới 40% GDP toàn cầu này được thúc đẩy.
Cũng chính nhờ những tuyên bố tích cực của ông Obama mà nhiều nước đồng ý xem xét nghiêm túc TPP, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cho hiệp định này và nhiều lao động nhận thêm được việc làm do nhu cầu tăng cao.
Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ nhận được những lợi ích to lớn khi được mở cửa vào những thị trường tiềm năng vốn bị rào chắn bởi thuế quan và các quy định.
Thêm vào đó, Tổng thống Obama cũng không che giấu khi nói rõ quan điểm sử dụng TPP như một công cụ trong kế hoạch xoay trục Châu Á của Mỹ và áp đặt cơ chế thương mại mới lên Trung Quốc.
Rõ ràng, cho dù bản hiệp định này có thành công hay không, chắc chắn sau này mọi người sẽ phải nhắc đến Obama khi nói về TPP.


Obama có thể đã đầu hàng trước mọi nỗ lực hợp tác với Nga

Linh Nguyễn |  04/10/2016 19:35
Obama có thể đã đầu hàng trước mọi nỗ lực hợp tác với Nga
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Ngày thứ Hai (3/10) vừa qua có thể đã đi vào lịch sử, khi tình trạng quan hệ Nga - Mỹ vốn luôn xuống dốc trong nhiều năm qua trở nên không thể cứu vãn, theo trang Slate (Mỹ).

Ngày thứ Hai thảm họa
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Nga về nỗ lực nhằm thiết lập tình trạng ngừng bắn ở Syria. Việc đàm phán song phương thậm chí có thể dẫn đến hai lực lượng quân sự phối hợp tấn công ISIS và các nhóm khủng bố khác, song đã bị chấm dứt.
Quyết định được đưa ra sau loạt không kích mang tính trừng phạt của Nga lên các khu vực bị quân nổi dậy chiếm đóng ở Aleppo, bao gồm nhiều bệnh viện và một xe của đoàn viện trợ nhân đạo bị đánh bom.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc tấn công trên cho thấy Nga luôn muốn vực dậy chế độ của tổng thống Syria Assad thay vì đi tới một giải pháp chính trị - điều đã trở nên rõ ràng với giới quan sát từ lâu.
Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ hỗ trợ và giật dây một "liên minh khủng bố quốc tế" thông qua việc hỗ trợ các nhóm nổi dậy chống Assad.
Cùng ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đình chỉ một hiệp ước với Mỹ về việc loại bỏ plutonium, do cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và đồng cấp người Nga Sergei Lavrov thỏa thuận năm 2010.
Dự thảo đình chỉ hiệp ước do ông Putin gửi lên Quốc hội Nga kêu gọi Washington từ bỏ các lệnh trừng phạt Ukraine, và giảm hoạt động quân sự tại các nước NATO ở Đông Âu.
Chỉ trong một ngày, loạt sự kiện đã đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ tuy căng thẳng nhưng vẫn đôi lúc hiệu quả giữa hai nước, bắt đầu khi Clinton trao cho Lavrov một nút bấm "reset" trong không khí vui vẻ vào 6/3/2009.
Loạt động thái nêu trên cũng xuất hiện giữa cáo buộc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và nhiều ngày sau khi nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu xác nhận rằng tên lửa bắn rơi máy bay MH-17 năm 2014 tại Ukraine là của Nga.
Obama có thể đã đầu hàng trước mọi nỗ lực hợp tác với Nga - Ảnh 1.
Hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị G20 tại Hàng Châu. Ảnh: Getty
Chính quyền Obama sẽ từ bỏ nỗ lực hàn gắn với Moscow?
Trong ngắn hạn, có thể việc đình chỉ hiệp ước plutonium - một trong số nhiều thỏa thuận sử dụng vũ khí giữa Nga và Mỹ - không bi đát bằng sự sụp đổ của bao nỗ lực ngừng bắn tại Syria. Thế nhưng về lâu dài, nó hàm chứa nhiều hiểm họa.
Ngay cả trong những ngày hoàng kim, các quan chức thuộc chính quyền Obama nói họ chưa bao giờ dự đoán sẽ tồn tại một kỷ nguyên quan hệ hữu nghị với Nga, mà họ chỉ hy vọng đơn giản là tháo gỡ được các luồng ý kiến trái chiều giữa các bên để đạt được sự hợp tác có triển vọng.
Chiến lược này đã đạt được một số thành công, có thể kể đến lệnh trừng phạt Iran, hỗ trợ hậu cần cho chiến tranh ở Afghanistan, hay từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhưng loạt sự kiện hôm thứ Hai cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng thỏa thuận kiểm soát vũ khí - nền tảng của sự hợp tác hậu Chiến tranh Lạnh giữa hai nước - làm đòn bẩy trong các tranh chấp khác. Khó đánh giá liệu còn có cơ hội hợp tác nào trên bàn đám phán trong tương lai hay không.
Mặc dù vậy, đứng trước nguy cơ hai lực lượng Mỹ và Nga đụng độ ở Syria, Washington không thể hoàn toàn vứt bỏ quan hệ với Moscow. Lời tuyên bố hôm thứ Hai có nói kênh đàm phán nhằm "giải tỏa căng thẳng" giữa hai bên vẫn mở.
Cho dù tình hình hiện tại có thể khiến Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới lên Nga, những biện pháp được áp dụng từ sau khủng hoảng Ukraine chưa có nhiều ảnh hưởng đến động thái của Nga ngoài một số tổn hại đến kinh tế nước này.
Ngay cả khi hậu quả của ngày thứ Hai thảm họa này vẫn chưa rõ ràng, có thể thấy sự thay đổi nhanh chóng trong thái độ của chính quyền Obama với Nga.
Obama vẫn luôn vui vẻ lấy Putin làm vũ khí tấn công Donald Trump khi vận động tranh cử, nhưng chính quyền của ông lại e ngại việc công khai đổ lỗi cho Nga vì đã dùng tin tặc tấn công đảng Dân chủ, vì lo sợ Nga sẽ phản ứng bằng cách gia tăng các cuộc tấn công kiểu này.
Các quan chức vẫn giữ vị thế trung lập trước công chúng và thẳng thừng đổ lỗi cho Nga khi phát biểu ẩn danh. Theo New York Times, sự cẩn thận này "đã dẫn đến tình hình gần giống một cuộc nổi dậy trong Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao."
Nếu công chúng Mỹ được chứng kiến nhiều lời buộc tội công khai nhắm đến Kremlin trong thời gian tới, đó có thể là bằng chứng xác nhận rằng chính quyền Mỹ đã bỏ cuộc, không còn nỗ lực hợp tác với Nga trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của nhiệm kỳ.

Tổng thống Putin ngừng hủy chất phóng xạ plutonium

DT |  04/10/2016 08:44
Tổng thống Putin ngừng hủy chất phóng xạ plutonium

Reuters đưa tin ngày 3-10, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh ngừng thực hiện Thỏa thuận Sử dụng và quản lý Plutonium (PMDA).

Sắc lệnh giải thích lý do ngừng thỏa thuận PMDA vì môi trường cơ bản đã thay đổi, mối đe dọa về ổn định chiến lược phát sinh và Mỹ đã đưa ra các sáng kiến không thân thiện với Nga. Ngoài ra, Mỹ không đủ khả năng hoàn thành cam kết loại trừ plutonium sau khi ký kết các điều ước quốc tế.
Thỏa thuận PMDA được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton ký kết năm 2000, dự kiến Nga và Mỹ mỗi bên loại trừ 34 tấn plutonium quân sự dự trữ trong chiến tranh lạnh bằng cách sử dụng vào các lò phản ứng hạt nhân.
Lúc bấy giờ bà Hillary Clinton cho biết số lượng plutonium đủ để sản xuất 17.000 quả bom hạt nhân.
Theo đài truyền hình RT (Nga), Nga không thỏa mãn với cách thức Mỹ quản lý kho trữ plutonium bởi Mỹ cho rằng sẽ rẻ tiền hơn nếu pha trộn chất phóng xạ với nhiều sản phẩm khác.
Trong khi đó, thỏa thuận PMDA yêu cầu phải dùng lò phản ứng hạt nhân để tái sử dụng plutonium.

Nga dùng con bài hạt nhân “mặc cả” với Mỹ về Syria và Ukraina

K.M |  04/10/2016 14:22
Nga dùng con bài hạt nhân “mặc cả” với Mỹ về Syria và Ukraina

Ngày 3.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đình chỉ một hiệp ước với Mỹ về loại bỏ plutonium ở cấp độ sản xuất vũ khí, vì "hành động thù địch" của Washington.

Reuters dẫn bình luận của giới phân tích nhận định, đây là một tín hiệu cho thấy Nga sẵn sàng dùng giải trừ hạt nhân làm con bài mặc cả trong các tranh chấp với Mỹ về Ukraina và Syria.
Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ đã không "đảm bảo thực thi nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng lượng thặng dư plutonium đã được tinh chế đến cấp có thể làm vũ khí" - theo VOA.
Thỏa thuận ban đầu được ký vào năm 2000 và được gia hạn năm 2010 kêu gọi cả hai cường quốc hạt nhân tiêu hủy chất plutonium cấp độ vũ khí trong các chương trình quốc phòng của mình.
Dựa trên thỏa thuận năm 2010, được ký bởi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton, mỗi bên sẽ hủy bỏ 34 tấn plutonium bằng cách đốt trong lò phản ứng hạt nhân. Bà Clinton cho biết số lượng plutonium đủ để làm gần 17.000 vũ khí hạt nhân.
Nga và Mỹ xem thỏa thuận này là một dấu hiệu của sự tăng cường hợp tác giữa hai nước trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mátxcơva và Washington đã xuống đến mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm vào năm 2014 và có liên quan đến cuộc chiến ở miền đông Ukraina.
Washington đã dẫn đầu việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây lên Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Sputnik dẫn thông tin từ Hạ viện Nga cho biết, Nga có thể khôi phục hiệu lực thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước NATO, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Magnitsky.
Ngoài ra, Nga yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà nước này hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì Nga buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả, và đòi hỏi Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển cho Duma Quốc gia phê chuẩn dự luật đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutonium ký với Mỹ. Theo nội dung dự luật, quyết định gia hạn hiệu lực và các biên bản liên quan sẽ do Tổng thống Liên bang Nga thực hiện.

Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Nga "tiếp tay" cho chính quyền Assad

Linh Nguyễn |  04/10/2016 21:29
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Nga "tiếp tay" cho chính quyền Assad
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: François Lenoir/Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry quyết liệt lên án Nga và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì theo đuổi hoạt động quân sự, theo báo New York Times.

Phát biểu tại một buổi hội nghị chủ đề Afghanistan do Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức hôm 4/10, Ngoại trưởng Kerry lên tiếng chỉ trích Nga ngang nhiên phớt lờ việc chính phủ Syria sử dụng khí clo và bom thùng (loại thiết bị nổ tự tạo có khả năng sát thương cao) lên chính người dân nước mình.
"Chúng tôi phải thừa nhận trong đau buồn - và, tôi phải nói với các vị, phẫn nộ - rằng Nga đã giả vờ không biết việc Assad sử dụng khí clo và bom thùng chống lại chính người dân của ông ta một cách đáng khinh," ông Kerry gay gắt nói.
"Chính quyền Syria và Nga đã từ chối dân chủ, và thay vào đó có vẻ như đã chọn lựa theo đuổi chiến tích quân sự, đạp lên những xác chết không toàn thây, bệnh viện tan nát vì bom đạn và biết bao trẻ em phải gánh thương tổn tinh thần trên mảnh đất vốn chịu nhiều đau khổ từ rất lâu."
Ông Kerry cũng bày tỏ thái độ bi quan về khả năng trở lại bàn đàm phán thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai gần giữa Mỹ và Nga.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết, phía Mỹ vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực kết thúc chiến tranh ở Syria thông qua Liên Hợp quốc, nhưng Washington không hy vọng sẽ thuyết phục được Nga từ bỏ trợ giúp toàn diện cho chính phủ của Tổng thống Assad.
Chính quyền Obama đã tuyên bố hôm thứ Hai (3/10) rằng Mỹ đình chỉ mọi cuộc đàm phán song phương về thỏa thuận ngừng bắn với Nga.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bay giám sát trên lãnh thổ Nga

04/10/2016 21:07
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bay giám sát trên lãnh thổ Nga
Máy bay CN-235 của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Wikipedia)

Theo Tân Hoa xã, ngày 3/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các hoạt động bay giám sát trên lãnh thổ Nga theo Hiệp ước Bầu trời mở.

Giám đốc Trung tâm Giảm thiểu nguy cơ hạt nhân thuộc Bộ Quốc phòng Nga Sergei Ryzhkov cho biết: "Việc bay giám sát sẽ được tiến hành vào khoảng thời gian từ ngày 3-7/10 trên một máy bay CN-235 của Thổ Nhĩ Kỳ, với sự có mặt của các chuyên gia Nga trên buồng lái để giám sát việc tuân thủ hiệp định."
Hoạt động bay giám sát là một phần trong các giải pháp xây dựng niềm tin tại châu Âu sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh bằng Hiệp ước Bầu trời mở, theo đó các nước thành viên sẽ thực hiện các hoạt động bay phi vũ trang nhằm giám sát không phận của nhau.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết tháng 3/1992 và có hiệu lực vào tháng 1/2002.
Hiện nay Hiệp ước này có 34 nước thành viên bao gồm Nga và hầu hết các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO./.

Nhật Bản "run" trước tên lửa Triều Tiên

Ngày đăng : 04/10/16 13:03
Việc thắt chặt kiểm soát hoạt động sản xuất và chi tiêu quốc phòng đã khiến Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào Mỹ để chống đỡ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài mà cụ thể là tên lửa của Triều Tiên.
Reuters cho hay theo nguồn tin quân sự, trong cuộc đua vũ trang kéo dài 2 thập niên giữa Triều Tiên và Nhật Bản, Bình Nhưỡng dường như đang chiếm ưu thế nhất là sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 hôm 9/9. Đây cũng chính là lý do khiến Tokyo lo lắng và không chắc có thể chống đỡ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên nếu như không có sự trợ giúp từ phía Mỹ. 
Dưới thời lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã bắn thử 21 tên lửa đạn đạo chỉ trong đầu năm nay. Đây được xem là hoạt động bất thường khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế quan ngại. 
Cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ. 
"Tiến độ của Triều Tiên nhanh hơn so với dự đoán. Trong khi năng lực hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của chúng tôi chỉ có hạn", một quan chức quân đội cấp cao Nhật Bản cho hay.  
Đáng nói, kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản (BMD) chưa thể thi hành cho tới tháng Tư năm sau còn hoạt động triển khai các hệ thống phòng thủ mới phải mất nhiều năm mới hoàn thành. 
Cũng theo nguồn tin trên, việc kiềm chế tiến độ sản xuất cũng như chi tiêu ngân sách đã giới hạn năng lực của Nhật Bản và buộc Tokyo phụ thuộc thêm vào Mỹ để chống đỡ trước các cuộc tấn công. 
"Lựa chọn duy nhất hiện nay với chúng tôi là phụ thuộc vào Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công", một nguồn tin khác từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhấn mạnh. 
Tokyo và Bình Nhưỡng bắt đầu cuộc đua vũ trang kể từ năm 1998 sau khi Triều Tiên bắn một quả tên lửa về phía Nhật Bản. 
Hồi tháng Sáu, tên lửa tầm trung Musudan đạt tầm cao 1.000 km trên đường đạn võng. Đây được coi là bước đột phá mới cho phép Bình Nhưỡng phóng đầu đạn vượt qua các tàu khu trục trang bị tên lửa Aegis của Nhật Bản, lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra trên biển Nhật Bản. 
Thậm chí, Musudan còn có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa lỗi thời PAC3 Patriot, lực lượng bảo vệ chính cho nhiều thành phố ở Nhật Bản bao gồm cả Tokyo. Trong khi đó, dự án 1 tỷ USD nhằm nâng cấp tầm bắn và khả năng hoạt động chính xác cho PAC-3 Patriot mới chỉ được Nhật Bản khởi động hồi tháng Ba và hệ thống cải tiến đầu tiên sẽ chỉ sẵn sàng hoạt động trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội Tokyo 2020. 
Các đầu đạn tên lửa  của Triều Tiên như Rodong có tầm bắn lên tới 1.300 km và tốc độ di chuyển là 3km/giây. Song các loại tên lửa như Musudan có tầm bắn lên tới 3.000 km và vận tốc di chuyển là 21 km/giây, bay quá nhanh so với hệ thống Patriot. 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch nâng cấp khả năng hoạt động của các tên lửa SM-3 triển khai trên hạm đội tàu Aegis cỡ nhỏ. Mặc dù các tên lửa SM-3 được thiết kế tiêu diệt đầu đạn nhưng không rõ nó có thể tiêu diệt Musudan. 
Ngoài ra, một phiên bản nâng cấp sức mạnh cho SM-3 hay còn gọi là Block IIA do Mỹ và Nhật Bản cùng hợp tác sản xuất, cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Tokyo dự định sẽ mua phiên bản Block IIA đầu tiên trong năm tới. Nhưng cho tới nay, chưa rõ Nhật Bản sẽ mua bao nhiêu và bao giờ triển khai Block IIA. 
Về lâu dài, Nhật Bản đang tính tới một số phương án như mua hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD của tập đoàn Lockheed Martin hoặc đặt hệ thống Aegis ở khu vực bờ biển nhằm nâng cao khả năng phòng thủ. Tuy nhiên, quá trình này sẽ phải mất tới vài năm để nghiên cứu công nghệ, xin trợ cấp, thiết kế và tích hợp hệ thống. 
Trong bối cảnh Nhật Bản đang nóng lòng muốn nâng cấp hệ thống phòng thủ, thì Mỹ lại đang từng bước giúp Hàn Quốc tăng tốc triển khai hệ thống phòng thủ THAAD. 
"Dù mục đích phát triển là gì thì tốc độ nâng cấp vũ khí của Triều Tiên vẫn vượt ngoài tầm tưởng tượng của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo phát biểu hồi cuối tháng Tám. 
Tốc độ phát triển vũ khí của Triều Tiên khiến Nhật Bản và Hàn Quốc không ngờ tới. 
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Gary Ross nhấn mạnh Mỹ gần đây đã tái khẳng định cam kết bảo vệ cả Nhật Bản và Hàn Quốc bằng toàn bộ năng lực quân sự mà Mỹ hiện có gồm "hệ thống phòng thủ tên lửa, hạt nhân và vũ khí truyền thống". 
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực Hàn Quốc và Nhật Bản để giúp họ tăng cường năng lực phòng thủ chống lại mối đe dọa từ hạt nhân và tên lửa Triều Tiên", ông Ross cho hay. 
Còn hiện nay, Nhật Bản đang sử dụng 4 tàu khu trục Aegis trang bị 8 tên lửa SM-3 mỗi tàu. Tuy nhiên, 2 trong 4 tàu Aegis lại đang trong quá trình bảo dưỡng. 
"Các mối đe dọa ngày càng lớn xuất hiện đúng thời điểm năng lực của hạm đội Aegis bị hạn chế. Do đó, việc hợp tác với các tàu Aegis của Mỹ triển khai ở Nhật Bản trở nên vô cùng quan trọng", một nguồn tin chia sẻ. 
Theo dự kiến tới tháng 3/2019, Nhật Bản sẽ đưa vào hoạt động 8 tàu Aegis song hoạt động huấn luyện và bảo dưỡng đồng nghĩa với việc chỉ có 2 tàu tham gia chương trình tuần tra tại mọi thời điểm. 
Về phần mình, sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Mỹ đã có kế hoạch tăng cường sự hiện diện trong khu vực bằng việc tăng số lượng tàu Aegis tuần tra từ 7 lên 10 chiếc trong vòng 2 năm qua. 
Song cho tới nay, chưa rõ việc Mỹ triển khai thêm lực lượng có giúp ngăn chặn được các mối đe dọa từ Triều Tiên hay không. 
"Công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang từng bước tiến bộ và mỗi khi chúng tôi nâng cấp năng lực, họ cũng cải thiện khả năng của mình", nguồn tin thứ tư trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nói. 
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.

Minh Thu (lược dịch)

Duterte: Rất có thể tôi sẽ là tổng thống đầu tiên tự sát

Hải Võ |  04/10/2016 09:48
Duterte: Rất có thể tôi sẽ là tổng thống đầu tiên tự sát
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: Rappler)

Tờ Chinese Commercial News (Philippines) hôm 1/10 đưa tin, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phản ứng với ý kiến đòi bãi miễn ông vì lý do lạm quyền.

Duterte tuyên bố: "Nếu tôi lạm quyền, vậy thì mọi người có thể bãi miễn tôi".
Phát biểu trước lực lượng cảnh sát ở thành phố Davao, Philippines hôm 30/9, ông nói: "Nếu tôi bị ám sát hoặc bãi miễn thì đó là số mệnh của tôi."
"Rất có thể tôi sẽ là tổng thống đầu tiên tự sát," ông nói đùa.
Chinese Commercial News cho hay, tính đến nay đã có hơn 3.000 người bị thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy mà Duterte phát động, khiến Duterte vấp phải phản ứng của dư luận quốc tế về việc ông lạm dụng các hình thức ngoài pháp luật để trấn áp tội phạm. 
Đáp trả các chỉ trích, Tổng thống Philippines cho biết mình sẵn sàng chấp nhận rủi ro về tính mạng, danh dự và chức vụ tổng thống để "tỏ lòng yêu nước".
"Cung điện Malacanang (phủ Tổng thống Philippines) là nơi dễ lạc lối. Nhưng tôi không theo đuổi nó," ông nói khi khẳng định mình không chạy theo quyền lực.

Ông Duterte nói Obama hãy "xuống địa ngục"

Hải Võ |  04/10/2016 20:15
Ông Duterte nói Obama hãy "xuống địa ngục"
Ảnh: INQUIRER FILE

Có vẻ như vụ thóa mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu tháng 9 vẫn chưa đủ đối với ông Duterte.

Tờ Philstar ngày 4/10 đưa tin, Tổng thống Rodrigo Duterte một lần nữa xúc phạm ông Obama và Liên minh châu Âu (EU), sau khi Mỹ và EU tiếp tục bày tỏ quan ngại về số người chết gia tăng trong chiến dịch đàn áp tội phạm ma túy của chính quyền Philippines.
Phát biểu trước các doanh nhân tại thành phố Makati, ông nói rằng nước Mỹ đáng lý nên ủng hộ Manila trong nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy, thay vì chỉ trích số người chết gia tăng. Với EU cũng vậy.
Duterte chỉ trích: "Thay vì giúp đỡ chúng ta, nơi đầu tiên họ nhắm vào lại là Bộ ngoại giao. Vì vậy ông có thể xuống địa ngục, ngài Obama ạ. Ông có thể xuống địa ngục (go to Hell, ý nói Obama 'biến đi'-PV)."
"Còn với EU, tốt nhất là luyện ngục. Vì địa ngục (ông Duterte chơi chữ để tương xứng với câu trên-PV) đã hết chỗ rồi. Sao tôi phải sợ các anh?," ông nói.
Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, Washington đang cố gắng "lờ đi" những tuyên bố mạnh miệng của nhà lãnh đạo Philippines và không cho ông thêm cớ để "nổ pháo".
Theo Philstar, những tuyên bố và phát ngôn thô tục của ông Duterte nhằm vào những người chỉ trích cuộc chiến chống ma túy đang trở thành chủ đề hút khách trên truyền thông quốc tế thời gian gần đây.
Sau vụ gọi Tổng thống Obama là "đồ con hoang", ông chủ Điện Malacanang cũng gọi các quan chức EU là "đồ đạo đức giả". Mới đây nhất, Tổng thống Philippines gọi Mỹ là "những kẻ không biết xấu hổ".

Duterte: Đến cuối cùng, tôi sẽ chia tay nước Mỹ!

Hải Võ |  04/10/2016 20:31
Duterte: Đến cuối cùng, tôi sẽ chia tay nước Mỹ!
Ông Rodrigo Duterte (áo trắng) thăm trụ sở quân đội ở thành phố Taguig, ngày 4/10. (Ảnh: Reuters/Romeo Ranoco)

Hôm nay (4/10), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố rằng đồng minh lâu năm và thân cận nhất đã làm đất nước ông thất vọng, theo Reuters.

"Tôi rất bức xúc vì nước Mỹ rõ ràng đã làm chúng ta thất vọng," ông nói trong một bài phát biểu cho cộng đồng người Do Thái tại một giáo đường ở Manila.
"Đây là những gì sắp diễn ra. Tôi sẽ sắp xếp lại chính sách đối ngoại của mình. Đến cuối cùng, có lẽ tôi sẽ chia tay với nước Mỹ trong thời gian của mình."
Duterte không giải thích rõ ý của ông về khái niệm "chia tay" là thế nào, hay cụm từ "thời gian" có phải chỉ nhiệm kỳ 6 năm làm tổng thống của ông.
Trong những phát ngôn gần đây, Tổng thống Duterte nói rằng ông đã không còn sự tôn trọng dành cho Mỹ do Washington chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của ông khiến hơn 3.400 người thiệt mạng trong 3 tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, ông chỉ trích Mỹ không chịu bán vũ khí và tên lửa cho Philippines, trong khi Nga và Trung Quốc sẵn sàng làm điều đó.
"Nếu các anh không muốn bán vũ khí thì tôi sẽ tìm đến Nga. Tôi đã cử vài tướng lĩnh sang Nga và họ nói 'đừng lo, chúng tôi có mọi thứ các bạn cần, chúng tôi sẽ bán cho các bạn'."
"Còn Trung Quốc nói rằng cứ đến đây và ký hợp đồng, rồi họ sẽ chuyển hàng," Duterte nói.

Ông Duterte "cần học cách nói chuyện như một tổng thống"

P.Nghĩa |  04/10/2016 15:07
Ông Duterte "cần học cách nói chuyện như một tổng thống"
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: INQUIRER

Một số đồng minh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong Quốc hội hôm 3-10 khuyên ông chỉ nên mở miệng phát biểu sau khi “học được cách nói chuyện như một tổng thống”.

Tại Hạ viện, lãnh đạo phe đa số Rodolfo Fariñas đề xuất Tổng thống Duterte “đừng nói thêm gì nữa” cho đến khi ông điều chỉnh được những phát ngôn ngẫu hứng của mình.
Theo ông Fariñas, nhà lãnh đạo Philippines vẫn giữ cách nói chuyện như hồi còn làm thị trưởng TP Davao. Tuy nhiên, ông biết chắc Tổng thống Duterte đã cố gắng thay đổi nhưng vì đã bước sang tuổi 71 nên sự thay đổi không thể diễn ra một sớm một chiều.
Trong khi đó, tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Richard Gordon nhấn mạnh Tổng thống Duterte là một chính khách quan trọng nên ông phải lựa chọn câu từ cẩn thận để bảo vệ Philippines trước làn sóng chỉ trích quốc tế về cuộc chiến chống ma túy do ông phát động.
Ông Gordon cũng thừa nhận nhà lãnh đạo Philippines có xu hướng tự rước lấy rắc rối vào người. “Tôi là một thượng nghị sĩ, một người bạn. Ông ấy có thể giận tôi. Nhưng chúng ta phải bảo vệ đất nước và tổng thống có nhiệm vụ là một chính khách” – ông Gordon nhấn mạnh.
Dù vậy, cũng có một số đồng minh bảo vệ phong cách nói chuyện của Tổng thống Duterte, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Pantaleon Alvarez.
Người này lập luận ông Duterte ra tranh cử tổng thống là để giải quyết các vấn đề nội bộ (ma túy, tội phạm, đói nghèo...), không phải để quan tâm người ngoài nói gì.
Ông Alvarez lưu ý: “Ngoại giao là một vấn đề thuộc phong cách của nhà lãnh đạo. Có thể một số tổng thống có phong cách ngoại giao khác. Tổng thống Duterte có phong cách riêng của ông ấy. Chúng ta hãy tôn trọng điều đó”.
Ông Alvarez cũng bảo vệ tuyên bố giết 3 triệu người nghiện ma túy của nhà lãnh đạo của mình: “Chưa có gì xảy ra cả. Vì vậy, không thể nói là diệt chủng được. Nó chỉ là một mối đe dọa. Chẳng có luật nào cấm người khác đe dọa”.
Ông Duterte cần học cách nói chuyện như một tổng thống - Ảnh 1.
Quân đội và cảnh sát Philippines đều được tăng lương. Ảnh: INQUIRER
Trong một diễn biến khác, ông Duterte hôm 3-10 ký quyết định tăng lương cho binh sĩ và cảnh sát nhằm cải thiện đời sống cho những người đang chiến đấu vì an ninh quốc gia, hòa bình và trật tự.
Theo đó, thành viên các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia sẽ nhận mức lương 3.000 peso/tháng (tương đương 62 USD), gấp 6 và 9 lần so với hiện tại (binh sĩ 500 peso/tháng và cảnh sát 340 peso/tháng).
Ông Duterte còn tăng tiền khích lệ chiến đấu cho cảnh sát và binh sĩ lên 300 peso/ngày (tối đa 3.000 peso/tháng) từ mức 150 peso/ngày (tối đa 1.500 peso/tháng) hiện tại. Tiền tăng lương ban đầu sẽ được trích từ quỹ phúc lợi, sau này sẽ gộp chung vào ngân sách hằng năm của quân đội và cảnh sát.

Võ sĩ huyền thoại Pacquiao: Duterte được Chúa lựa chọn

Tuyết Mai |  04/10/2016 19:17
Võ sĩ huyền thoại Pacquiao: Duterte được Chúa lựa chọn
Paquiao và Duterte. Ảnh: Inquirer

"Manny" Pacquiao ủng hộ hết mình cho cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Rodrigo Duterte dù huyền thoại người Philippines có quá khứ nghiện ngập.

Chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte đã dẫn đến cái chết của hơn 3.000 người, phần lớn là người sử dụng và buôn bán ma túy, chỉ trong 3 tháng.
Dù từng sử dụng đủ loại ma túy suốt thời niên thiếu, biểu tượng quyền Anh người Phillippines Emmanuel “Manny” Pacquiao vẫn hoàn toàn ủng hộ chiến dịch chống ma túy đẫm máu này.
Duterte được Chúa lựa chọn
Pacquiao, hiện là thượng nghị sĩ và đồng minh của tổng thống, nói ông Duterte đã được Chúa lựa chọn để đưa người Phillippines vào khuôn phép và quyền lực của ông phải được tôn trọng.
Cựu võ sĩ 37 tuổi cho biết Tổng thống Duterte không biết về quá khứ nghiện ngập của ông nhưng tự tin rằng điều này sẽ không làm tổn hại tới quan hệ của hai người. "Ông ấy luôn trao cơ hội cho những người muốn được thay đổi", Pacquiao nói.
Võ sĩ huyền thoại Pacquiao: Duterte được Chúa lựa chọn - Ảnh 1.
Huyền thoại quyền Anh "Manny" Pacquiao giờ trở thành thượng nghị sĩ tại Phillippines và là đồng minh thân cận của Tổng thống Duterte. Ảnh: Getty
Pacquiao từng dùng thử rất nhiều loại ma túy trong nhiều năm trước khi ông trở thành nhà vô địch quyền Anh.
Về tình bạn với vị tổng thống được mệnh danh là "Kẻ Trừng phạt", võ sĩ được biết đến với tên gọi "Kẻ Hủy diệt" cho biết, mối quan hệ giữa họ bắt đầu từ ít nhất 15 năm trước, khi ông Duterte tham gia tổ chức một trận đấu của Pacquiao tại Davao.
"Ông ấy đã giúp tôi rất nhiều. Ông ấy giúp đỡ tôi trong việc quảng bá khi tôi bắt đầu thi đấu quyền Anh. Một trong những trận đấu của tôi ở Davao, ông ấy đã tài trợ... Ông ấy giúp đỡ cả về mặt quảng bá lẫn tài chính", võ sĩ thuận tay trái, người duy nhất từng vô địch thế giới ở 8 hạng cân khác nhau, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn ở văn phòng Thượng viện.
Theo truyền thông, Pacquiao xăm trên cổ tay những chữ cái đầu của một nhóm mang tên Guardians Mindanao Brotherhood (Hội Những người Bảo vệ Mindanao), và ông Duterte cũng vậy. "Đó là tình huynh đệ", Pacquiao nói. Hội Những người Bảo vệ bắt đầu là một nhóm các binh sĩ và sau đó đã bị giải tán.
Tình bạn lâu năm với tổng thống
Pacquiao sinh ra tại thị trấn Kibawe thuộc vùng Mindanao, miền nam Philippines, cách thành phố Davao, nơi Duterte là thị trưởng và đại biểu quốc hội từ năm 1988, khoảng 80km.
Gia đình Pacquiao rất nghèo. Trong cuốn tự truyện của mình, ông kể rằng gia đình từng sống trong một túp lều tranh. Cha ông thu hoạch dừa còn mẹ ông bán đậu phông.
Pacquiao từng làm các công việc vặt để kiếm sống và đi lậu vé tàu sang Manila, nơi ông bắt đầu thi đấu quyền Anh. Theo Forbes, ông đã kiếm được 500 triệu USD trong suốt sự nghiệp của mình.
Dù không còn nhớ rõ về cuộc gặp mặt đầu tiên với Duterte, Pacquiao cho biết ông gặp đương kim tổng thống lần đầu khi mới 22 hay 23 tuổi. Kể từ đó, họ thường xuyên dùng bữa cùng nhau. Pacquiao còn là cha đỡ đầu cho cháu trai của Duterte.
Theo lời của Pacquiao, sau này, ông Duterte vẫn thường gọi điện chúc mừng cựu võ sĩ sau mỗi trận đấu. Pacquiao gọi Tổng thống Duterte bằng biệt danh Digong, một cách chơi chữ từ tên gọi của ông, Rodrigo.
Theo Pacquiao, tổng thống Duterte là một người rất tốt và tử tế, không giống như điều mọi người vẫn nghĩ rằng ông ấy là kẻ độc miệng và hung hăng. "Ông ấy là người đáng kính trọng, hiếu khách và thân thiện", Pacquiao cho biết.
Pacquiao cũng nói thêm rằng việc đổ lỗi cho tổng thống về các vụ giết người là không công bằng, vì chính những trùm ma túy và những kẻ buôn chất cấm này mới giết hại mọi người.
Đối với Pacquiao, ông Duterte không làm gì sai cả.
"Ở những chính quyền trước đây, mọi người không tôn trọng luật pháp, người lãnh đạo, và các cơ quan chức năng... Điều ông Duterte đang làm là khiến mọi người hiểu và khắc ghi trong tim và trong tâm trí rằng, bạn cần tôn trọng luật pháp của đất nước mình", ông nói.
Pacquiao từng ủng hộ Jejomar Binay, đối thủ của Duterte trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhưng sau đó lại chuyển sang đi theo Duterte. Hiện tại, ông là một trong những đồng minh thân cận nhất của tổng thống.
Hành động đầu tiên của ông tại Thượng viện là đệ trình dự luật khôi phục hình phạt tử hình đối với tội phạm ma tuý và tội phạm nghiêm trọng. Đây là một trong những kế hoạch quan trọng của ông Duterte.

Chính trị gia Hàn Quốc đòi trang bị vũ khí hạt nhân

Bảo Anh |  04/10/2016 19:01
Chính trị gia Hàn Quốc đòi trang bị vũ khí hạt nhân
Ông Nam Kyung-pil - Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc trả lời phỏng vấn tờ Yonhap hôm 2-10. Ảnh: Yonhap

Một quan chức Hàn Quốc mới đây đề nghị nước này cần trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Đề nghị trên được ông Nam Kyung-pil - Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap hôm 2-10. Ông Nam Kyung-pil hiện được xem là ứng viên tổng thống tiềm năng cho đảng cầm quyền Hàn Quốc vào nhiệm kỳ tới.
Đã đến lúc chúng ta xem xét các lựa chọn khác nhau và một trong số đó là trang bị vũ khí hạt nhân” - Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi Nam Kyung-pil nói. “Việc chuẩn bị vũ khí hạt nhân cần bắt đầu khi chính phủ mới lên nắm quyền hoặc ngay bây giờ”.
Ông Nam lập luận, mặc dù việc sở hữu vũ khí hạt nhân không thể diễn ra ngay lập tức nhưng Hàn Quốc có thể bắt đầu các cuộc thảo luận với Mỹ về vấn đề trên sau khi nội bộ nước này thống nhất.
Về liên minh quân sự Mỹ - Hàn, ông Nam cho biết đã có những thay đổi trong quan điểm của công chúng Mỹ về vấn đề hạt nhân, mà có thể dẫn tới sự thay đổi trong chính sách “chiếc ô hạt nhân” của Washington.
Nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, những thay đổi trong chính sách hạt nhân sẽ diễn ra nhanh chóng và nếu Trump thua trong cuộc bầu cử, vấn đề này cũng sẽ lại xuất hiện trong giới chính trị Mỹ vì quan điểm của công chúng Mỹ đã thay đổi khá nhiều” - theo ông Nam.
Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi ngoài ra cũng đề cập đến vấn đề Mỹ chuyển giao Quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) cho quân đội Hàn Quốc, vốn theo kế hoạch được khởi động vào tháng 12-2015 nhưng sau đó bị trì hoãn vô thời hạn đến giữa những năm 2020.
Chúng ta phải thay đổi cấu trúc hiện tại mà vốn đặt mạng sống và sự an toàn của người dân ngoài tầm kiểm soát của chúng ta” - ông Nam nhấn mạnh.
Trong môi trường an ninh mới này, giới chính trị và chính quyền phải chung tay lại. Tổng thống ngoài ra cũng cần chứng minh tài lãnh đạo của mình tại thời điểm khó khăn này”.

Dân Iraq vận dụng luật 11-9 khởi kiện chính phủ Mỹ

D. Kim Thoa |  04/10/2016 16:00
​Dân Iraq vận dụng luật 11-9 khởi kiện chính phủ Mỹ
Lính thủy quân lục chiến Mỹ tại phía bắc Kuwait, gần biên giới với Iraq năm 2003 - Ảnh: AFP

Một nhóm người dân Iraq đã căn cứ vào dự luật 11-9 vừa được Quốc hội Mỹ thông qua để yêu cầu Quốc hội Iraq khởi kiện Mỹ vì đã can thiệp vào Iraq năm 2003.

Theo trang Sputnik, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Công lý chống lại những kẻ bảo trợ khủng bố (JASTA) hay gọi tắt là luật 11-9, cho phép gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9 được khởi kiện chính phủ Saudi Arabia, một nhóm người dân Iraq đã yêu cầu Quốc hội nước này chuẩn bị khởi kiện, đòi chính phủ Mỹ đền bù cho những tổn thất trong thời gian quân đội Mỹ can thiệp vào Iraq năm 2003.
Nhóm vận động này có tên "Arab Project in Iraq" (Dự án Ả rập tại Iraq) cho biết "đã nhìn thấy cơ hội trong việc yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường vì những sai phạm do lực lượng quân đội Mỹ gây ra trong thời gian đưa quân tới Iraq lật đổ tổng thống Saddam Hussein năm 2003".
Nhóm Arab Project in Iraq cũng kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về những vụ sát hại dân thường Iraq, những vụ mất mát tài sản và các trường hợp bị tra tấn cũng như đối xử tàn bạo khác dưới tay lính Mỹ.
Nhóm hoạt động của Iraq là nhóm đầu tiên tận dụng tiền lệ pháp lý của JASTA trong việc loại bỏ nguyên tắc miễn trừ chủ quyền.
Tổng thống Obama đã cố gắng dùng quyền phủ quyết để bác bỏ luật này, nhưng rồi lệnh phủ quyết của ông lần đầu tiên đã bị Thượng viện bác bỏ mới đây.
Với luật 11-9, Quốc hội Mỹ cũng khiến nước Mỹ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện đòi bồi thường vì các hoạt động quân sự của họ trên toàn thế giới.
Một ngày sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện với dự luật 11-9, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Larry Presler cho biết, là một cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, giờ đây ông có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện.
Viết trên trang The Hill, ông Pressler cho biết: "Là một cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam, tôi gần như chắc chắn sẽ bị chính phủ Việt Nam hay một công dân Việt Nam khởi kiện".

Ai Cập thông báo tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của Anh em Hồi giáo

04/10/2016 15:40
Ai Cập thông báo tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của Anh em Hồi giáo
Cựu Tổng thống Mohammed Morsi đứng sau song sắt tại phiên tòa xét xử ông ở Cairo ngày 23/4. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 4/10, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết đã tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao phụ trách cánh vũ trang của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và một thành viên khác của nhóm này trong cuộc đấu súng ngày 3/10.

Ngày 4/10, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết đã tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao phụ trách cánh vũ trang của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và một thành viên khác của nhóm này trong cuộc đấu súng ngày 3/10.
Theo tuyên bố, hai đối tượng bị tiêu diệt là Mohamed Kamal, 61 tuổi, một thành viên trong ban lãnh đạo hàng đầu của MB, và Yasser Shehata một thủ lĩnh khác của nhóm này.
Bộ trên cho biết lực lượng an ninh đã đột kích một căn hộ tại khu vực Bassateen của thủ đô Cairo, sau khi nắm được thông tin các thủ lĩnh của MB sử dụng địa điểm này làm trụ sở.
Trên các tài khoản mạng xã hội, MB chỉ xác nhận Kamal đã biến mất vào chiều 3/10.
Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ Shehata từng bị kết án vắng mặt 10 năm tù vì tội danh tấn công một công dân và cầm giữ người này trong trụ sở của đảng Tự do và Công lý. Trong khi đó, Kamal đã bị kết án chung thân trong hai phiên tòa xử vắng mặt.
Kamal là một trong những thủ lĩnh nổi bật của MB chỉ đạo hoạt động của tổ chức này. Kamal từng phụ trách cái gọi là Ủy ban Hành chính tối cao (hay còn gọi là ủy ban thanh niên) của MB, song đã từ chức vào tháng 5 vừa qua do ủy ban này bị các thủ lĩnh hàng đầu khác của MB phản đối.
Kể từ cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi thuộc MB vào tháng 7/2013, hàng trăm người ủng hộ tổ chức này đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác đã bị bắt giữ.
Tháng 10/2013, Chính phủ Ai Cập tuyên bố MB là một tổ chức khủng bố và cấm tổ chức này hoạt động tại Ai Cập.
Một loạt các thủ lĩnh của tổ chức này bao gồm lãnh đạo tinh thần tối cao Mohamed Badie đã bị bắt giữ, bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đã bị kết án vì các tội danh khác nhau./.

Kích nổ nhầm bom tự sát trong cuộc họp, 16 phiến quân IS chết

Phan Yến |  04/10/2016 16:50
Kích nổ nhầm bom tự sát trong cuộc họp, 16 phiến quân IS chết
16 phiến quân IS chết tức tưởi trong cuộc họp vì một tên kích nổ nhầm áo bom tự sát

Theo Dailymail hôm 3/10, 16 phiến quân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chết vì chiếc áo đánh bom tự sát của một tên bất ngờ phát nổ khi chúng đang họp bàn lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn ở Iraq.

Nhóm khủng bố họp bàn tại làng al-Mahaws, tây nam Kirkuk, để lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn nhằm vào lực lượng an ninh Iraq, theo hãng tin Al Masdar.
Đây không phải lần đầu tiên những kẻ khủng bố vô tình làm chết đồng đội. Hồi tháng 3, hàng chục phiến quân cũng chết tức tưởi ở miền đông Afghanistan khi chúng kích nổ nhầm quả bom định sử dụng cho cuộc tấn công theo kế hoạch.
Chỉ vài ngày trước, nhà phân tích chủ nghĩa khủng bố cấp cao Firas Abi Ali khẳng định lại dự đoán của nhiều chuyên gia trong đó có cựu Ngoại trưởng Anh Philip Hammond rằng IS sẽ bị đánh bại vào cuối năm 2017.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 3/10, Ma-rốc bắt giữ 10 phụ nữ bị cáo buộc cam kết trung thành với IS và lên kế hoạch thực hiện các vụ đánh bom tự sát trên khắp nước này. Các phần tử này có "mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tên khủng bố của Ma-rốc có liên kết với IS ở biên giới Syria- Iraq".
Theo thông tin được nhóm Soufan có trụ sở tại Mỹ công bố tháng 12 năm ngoái, ít nhất 1.200 người Ma-rốc trốn ra nước ngoài để gia nhập IS trong 18 tháng qua.

"Cấu trúc bí ẩn" Đài Loan đặt trái phép trên đảo Ba Bình là radar

Hải Võ |  04/10/2016 14:59
"Cấu trúc bí ẩn" Đài Loan đặt trái phép trên đảo Ba Bình là radar
Các kết cấu bí ẩn trên đảo Ba Bình được xác định là radar do Mỹ sản xuất

Chinanews ngày 4/10 đưa tin, các "kết cấu bí ẩn" mà Đài Loan đặt trái phép trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là cấu trúc lắp đặt radar AN/TPS-117.

Theo Chinanews, Chủ nhiệm Trung tâm phân tích an ninh biển Đài Loan Mai Phúc Hưng hôm 2/10 đánh giá đây "là động thái nhỏ có ý nghĩa chiến lược đáng chú ý".
Ông này nhấn mạnh, hệ thống radar do Mỹ sản xuất này không thể giúp Đài Loan "phản công Trung Quốc đại lục", thậm chí không ngăn được Bắc Kinh tấn công, "nhưng nó cho thấy quân đội Đài Loan không khoanh tay 'chờ chết' ở biển Đông".
Theo ông Mai, mục đích của chính quyền Đài Loan khi bố trí phi pháp loại radar này trên đảo Ba Bình của Việt Nam, là nhằm giám sát các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực.
Tờ Takungpao (Hồng Kông) cho hay, với phạm vi theo dõi tầm cao 30 km, xa 370 km, radar đặt trái phép ở bờ Tây Bắc đảo Ba Bình có thể giám sát đá Xu Bi và đá Chữ Thập - hai bãi đá trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Ở cả đá Xu Bi và đá Chữ Thập, Trung Quốc đều cho xây dựng phi pháp đường băng và các nhà chứa máy bay (hangar) phục vụ được cả những loại máy bay cỡ lớn.
Các động thái quân sự hóa gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra mối lo ngại đối với chính quyền Thái Anh Văn, vốn không mặn mà với chính sách "một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Trước đó, tờ Liberty Times (Đài Loan) đăng tải hình ảnh của Google Earth cho thấy các cấu trúc bí mật này đặt (trái phép-PV) trên đảo Ba Bình, trong đó có 2 cấu trúc kết nối với bờ, 2 cấu trúc còn lại dường như vẫn đang trong quá trình hoàn thành.
Sự xuất hiện của 4 "kết cấu bí ẩn" trên đảo Ba Bình đã khiến dư luận xôn xao. Cơ quan tuần tra bờ biển Đài Loan hôm 19/9 tuyên bố cụm cấu trúc nêu trên liên quan tới bí mật quân sự nên không thể công bố. Chính quyền Đài Loan cũng yêu cầu Google "làm mờ hình ảnh".
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi" và Việt Nam "kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".